Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

Cẩn thận, Đừng để bị lấy hết tiền trong thẻ ngân hàng vì thiếu hiểu biết.

Chúng ta cần giữ kín số CVV đối với thẻ tín dụng và số PIN đối với thẻ ATM, để bảo vệ tiền của mình trong tài khoản ngân hàng.
Chúng tôi xin giới thiệu bài viết "Đừng để bị lấy hết tiền trong thẻ ngân hàng" của ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Khối thương mại điện tử Zamba - VCCorp. Mời độc giả đón đọc.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Dạo gần đây một số người bạn tôi quen bỗng dưng đang ngồi nhà thấy tin nhắn điện thoại báo có giao dịch rút tiền, mặc dù thẻ vẫn bỏ trong ví, có người thì thấy thẻ tín dụng bị tiêu tận bên Malaysia, cho dù chưa sang đó bao giờ. Sự việc bị mất tiền trong thẻ ATM hay thẻ tín dụng được báo chí nói khá nhiều, tuy nhiên những người dùng thẻ có lẽ vẫn chưa biết cách để tự bảo vệ khỏi nạn ăn cắp này.
Một số trường hợp dẫn đến nguy cơ bị mất thông tin thẻ và cách phòng tránh:
1. Thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng là loại thẻ sử dụng rất đơn giản và tiện lợi. Người sử dụng khi thanh toán online chỉ cần nhập chính xác các thông tin trên thẻ, bao gồm họ tên, số thẻ, thời gian hết hạn và số CVV, còn thanh toán offline chỉ cần quẹt qua máy đọc. Nhưng cũng chính sự đơn giản này khiến thẻ tín dụng trở thành loại thẻ dễ "hack" nhất.
Khi chúng ta mang thẻ ra ngoài tiêu, đưa cho nhân viên quẹt thẻ để thanh toán thì với tình trạng ai cũng sẵn điện thoại có chụp ảnh quay phim như hiện nay, việc bị chụp lại thông tin trên 2 mặt thẻ là điều dễ hơn ăn kẹo. Các thông tin thẻ này sau đó được dùng để thanh toán trực tuyến hay bán lại trên các web đen sẽ khiến bạn bị mất tiền, kẻ gian sẽ tiêu ở một nơi nào đó trên thế giới hay trên website vô danh nào đó.
Cách đề phòng việc này là ngay khi nhận được thẻ tín dụng từ ngân hàng phát hành, bạn hãy lưu lại 3 số mặt sau của thẻ (số CVV) vào điện thoại hoặc hãy ghi nhớ trong đầu. Sau đó dùng dao cạo cho mất 3 số đó đi hoặc dùng băng dính đen dán đè lên che 3 số này lại. Việc này nhằm đề phòng khi bị lộ số thẻ thì kẻ gian cũng không thanh toán được vì không có số CVV ở mặt sau của thẻ. Chỉ khi đúng bạn thanh toán thì mới có số CVV để nhập vào.

Ngoài ra, nếu được, bạn hãy yêu cầu ngân hàng kích hoạt tính năng 3D Secure để mỗi khi có giao dịch trực tuyến, mã OTP được gửi về số điện thoại của bạn, bạn nhập mã này lên web cần thanh toán thì giao dịch mới được tiến hành. Như vậy nhỡ có lộ hết cả thông tin thẻ thì kẻ gian vẫn không dùng để thanh toán được.
2. Thẻ ATM
Thẻ ATM ít gặp rủi ro về thanh toán online bởi thường gửi tin nhắn xác nhận về điện thoại khách hàng, nhưng lại gặp rủi ro bị ăn cắp thông tin và làm giả. Có 2 nguyên nhân dẫn đến thông tin thẻ bị đánh cắp.
Nguyên nhân thứ nhất, khi bạn rút tiền ở cây ATM, ngay tại khe nhét thẻ đã bị đối tượng ăn cắp gắn thiết bị đọc thông tin từ tính ở trong thẻ (thiết bị Skimmer), sau đó dùng thông tin đó chép sang một thẻ trắng khác. Ngoài ra khi bạn nhấn mã PIN trên máy ATM, đối tượng đã đặt camera quay lén ở một góc nào đó để quay lại các số bạn đã ấn, từ đó biết được mã PIN và dùng thẻ giả được sao thông tin từ thẻ thật của bạn và đi rút tiền ở các cây ATM khác.

Cách hạn chế trường hợp này là khi ra cây ATM rút tiền, trước khi đưa thẻ vào khe, hãy quan sát xem có thiết bị đáng ngờ nào được lắp thêm vào khe đó không, nếu thấy nghi ngờ thì không nên cho thẻ vào. Đồng thời, khi nhập mã PIN, hãy dùng một tay bấm mã, tay còn lại che lại để không ai nhìn được số bạn đang bấm. Để chắc ăn hơn, trong quá trình bấm hãy làm một số động tác giả vờ bấm phím nhưng thực chất không bấm để khỏi bị suy luận và đoán biết bạn đã bấm phím nào dựa vào cử chỉ ngón tay của bạn.
Một nguyên nhân khác ít được báo chí nhắc đến nhưng theo cá nhân tôi lại là nguyên nhân dễ bị mất thông tin thẻ nhất, đó là khi bạn dùng thẻ ATM thanh toán tiền ở các shop mà bạn mua hàng.
Khi bạn đưa thẻ ATM để thanh toán tại quầy thu ngân, nhân viên cầm và quẹt vào máy POS để trừ tiền, thế nhưng bạn có để ý máy POS đó được gắn thêm gì? Hoặc có được quẹt qua thiết bị đọc trộm thông tin thẻ trước khi quẹt vào POS hay không? Do vậy bạn phải hết sức lưu ý trường hợp này. Sau khi quẹt thẻ, đến bước nhập PIN để xác nhận thanh toán, bạn hãy dùng cách che tay và động tác giả giống như cách đã nói ở trên, bởi tại shop bán hàng thì việc đặt camera giám sát với độ nét cao chĩa thẳng vào vị trí bạn thanh toán tiền là chuyện hết sức bình thường.
Cuối cùng, nếu lỡ bị ăn cắp tiền trong thẻ, hãy ngay lập tức gọi lên số hotline của ngân hàng thông báo tình trạng và yêu cầu khóa thẻ, sau đó tự quay hoặc nhờ ai đó quay chính bản thân mình, tay cầm thẻ và chứng minh mình đang ở nhà hoặc ở địa điểm nào đó mà không phải địa điểm đã rút tiền. Dùng đoạn video đã quay mang lên phòng CSKH của ngân hàng để khiếu nại và làm việc với ngân hàng để yêu cầu ngân hàng giải quyết.
Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Khối thương mại điện tử Zamba - VCCorp
Theo Trí Thức Trẻ

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

tin tức, sự kiện

Giới thiệu

Mua hộ và vận chuyển hàng quốc tế về Đà Nẵng an toàn và nhanh chóng. ĐT : 0961 737 589

Lưu trữ Blog

Bài đăng gần nhất

Cẩn thận, Đừng để bị lấy hết tiền trong thẻ ngân hàng vì thiếu hiểu biết.

Chúng ta cần giữ kín số CVV đối với thẻ tín dụng và số PIN đối với thẻ ATM, đ ể bảo vệ tiền của mình trong tài khoản ngân hàng. Chúng tôi x...

Email liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Copyright © Shiptovina | Powered by Blogger
Design by Viva Themes | Blogger Theme by NewBloggerThemes.com